Để giúp các độc giả có thêm vốn hiểu biết về Phật giáo Việt Nam, quý I năm 2009, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Nhà xuất bản Tôn giáo và Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã cho ra mắt bạn đọc tác phẩm “Lịch sử Đạo Phật Việt Nam” của PGS. Nguyễn Duy Hinh. Cuốn sách được biên soạn theo đơn đặt hàng của Chương trình KX 04-06 nhằm cung cấp cơ sở tư liệu cho những người muốn tìm hiểu về Phật giáo Việt Nam.        Phật giáo Việt Nam là Phật giáo dân gian mang nặng lòng mẹ, lòng từ bi của truyền thống dân tộc, đã thấm sâu vào văn hóa nghệ thuật tâm tư tình cảm người Việt, đã Việt hóa. Không nên coi Phật giáo Việt Nam là mô hình Phật giáo Ấn Độ hay Trung Hoa dù đều có chịu ảnh hưởng của các tông phái đó. PGS. Nguyễn Duy Hinh đã cố gắng giới thiệu một số bộ kinh thông dụng ở nước ta như kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cương, kinh Hoa Nghiêm, kinh Bát Nhã ba la mật đa tâm kinh… để người đọc phổ thông có thể hiểu được nội dung hành trạng các nhà sư.

Mỗi trường phái hội họa đều có quan điểm riêng về cái đẹp, quyết định riêng việc lựa chọn đề tài, phương cách vận dụng ngôn ngữ tạo hình và xử lý kỹ thuật chất liệu riêng để đạt hiệu quả mong muốn. Xã hội càng phát triển, nhận thức của con người càng cao thì các trường phái hội họa càng lớn mạnh, càng xuất hiện nhiều trường phái mới.

Hiện nay, có khá nhiều tư liệu viết về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Mỗi tác giả với nguồn tư liệu khác nhau lại có cách tiếp cận khác nhau, phân chia giai đoạn phát triển khác nhau của đạo Phật tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì đạo Phật du nhập và phát triển ở Việt Nam được thể hiện qua các thời kỳ, các mốc thời gian như sau:

Thời kỳ thứ nhất: từ khi Phật giáo du nhập vào cho đến thế kỷ X

Phật giáo là một tôn giáo được truyền vào nước ta từ rất sớm. Theo hiểu biết hiện nay của giới nghiên cứu lịch sử thì Phật giáo vào Việt Nam từ những năm đầu công nguyên. Chính sử của Trung Quốc cũng đã ghi nhận rằng, vào những năm đầu Công nguyên, trong khi miền Nam Trung Quốc chưa có đạo Phật thì ở Kinh đô Giao Chỉ nước Việt đã có một trung tâm Phật giáo và Phật học khá phồn thịnh.

Ban đầu Phật giáo truyền vào nước ta chủ yếu trực tiếp từ Ấn Độ. Có thể kể tên một số tăng sỹ Ấn Độ và Trung á sang truyền giáo ở Việt Nam như: Ma Ha Kỳ Vực, Khưu Đa La, Khương Tăng Hội, Chu Cương Lương, Mạt Đa Đề Bà...Đến thế kỷ V, Phật giáo đã được truyền đến nhiều nơi trên đất nước và đã xuất hiện những nhà sư Việt Nam có nhiều danh tiếng như: Huệ Thắng (học trò của Đạt Ma Đề Bà) tu tại chùa Tiên Châu. Tuy nhiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thì từ thế kỷ thứ VI cho đến thế kỷ X vẫn được xem là giai đoạn truyền giáo của đạo Phật, song giai đoạn này các nhà truyền giáo của Ấn Độ bắt đầu giảm dần và các nhà truyền giáo của Trung Quốc bắt đầu tăng lên, dẫn theo đó bắt đầu có các phái thiền của Trung Quốc du nhập vào Việt Nam cụ thể như:

- Phái Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi: Cuối thời kỳ hậu Lý Nam Đế, khoảng năm 580 một nhà sư Ấn Độ tên Tỳ Ni Đa Lưu Chi - là Tổ thứ ba của phái Thiền Trung Quốc đã vào Việt Nam tu tại chùa Pháp Vân (tỉnh Bắc Ninh) và trở thành vị Tổ sư của phái Thiền này ở Việt Nam.

- Phái Thiền Vô Ngôn Thông: Năm 820, phái Thiền Vô Ngôn Thông truyền vào Việt Nam (Vô Ngôn Thông họ Trịnh - là người Quảng Châu, Trung Quốc, tu tại chùa Song Lâm, Triết Giang). Năm 820, ông sang tu tại chùa Trấn Quốc (Hà Nội) và trở thành vị tổ sư của phái thiền này ở Việt Nam.

Theo đánh giá, mười thế kỷ đầu Phật giáo truyền bá vào Việt Nam, mặc dù trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược và đô hộ nhưng đạo Phật đã tạo ra được những ảnh hưởng trong nhân dân và có những sự chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới khi đất nước độc lập, tự chủ.

Thời kỳ thứ hai: Phật giáo thời Đinh - Lê - Lý - Trần (thế kỷ X đến thế kỷ XV)

Từ thế kỷ X, nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự chủ sau một ngàn năm Bắc thuộc. Việc này đã tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển sang một bước mới. Dưới hai triều đại Đinh - Lê, tuy không tuyên bố Phật giáo là Quốc đạo nhưng đã công nhận Phật giáo là tôn giáo chính của cả nước. Các triều Vua Đinh - Lê có nhiều chính sách nâng đỡ đạo Phật. Đặc biệt Vua Lê Đại Hành và Vua Đinh Tiên Hoàng đã trọng dụng và phong thưởng cho nhiều nhà sư có công giúp Vua lo việc triều chính.

Năm 971, Vua Đinh Tiên Hoàng đã triệu tập các vị cao tăng để định rõ phẩm trật cho tăng chúng. Thiền sư Ngô Chân Lưu (933-1011), hậu duệ của Ngô Quyền được Đinh Tiên Hoàng tôn làm Khuông Việt Thái sư (khuôn mẫu cho nước Việt) và được phong chức Tăng thống đứng đầu Phật giáo cả nước. Pháp sư Ma Ni được phong Tăng lục, đứng dưới chức Tăng thống; Pháp sư Đặng Huyền Quang với chức Sùng trấn uy nghi. Các chức phẩm này của Phật giáo được các triều đại sau kế tiếp duy trì. Đến thời kỳ dưới triều Vua Lê Đại Hành, ngoài các vị cao tăng trên còn có thêm Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (915-990) - là người ở đời thứ 10 của phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi được Vua trọng dụng, giúp triều đình trong việc đối nội, đối ngoại.

Ở hai triều Đinh - Lê không chỉ trọng dụng các tăng sĩ mà còn hỗ trợ cho Phật giáo phát triển. Vua Lê Đại Hành và Đinh Tiên Hoàng đã cho xây dựng nhiều chùa tháp ở vùng Hoa Lư, biến nơi đây không chỉ là một trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội mà còn là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước.

Tuy nhiên, đến triều nhà Lý thì mới được xem là triều đại Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam vì Lý Công Uẩn - Lý Thái Tổ (người sáng lập triều Lý) xuất thân từ chốn thiền môn (là người cùng thụ giới Sa Di với Sư Vạn Hạnh) nên ông hết lòng ủng hộ cho Phật giáo. Sau lễ đăng quang, Lý Thái Tổ ra sắc chỉ ban phẩm phục cho hàng tăng sĩ. Năm 1010, sau khi dời đô về Thăng Long, ông cho xây dựng một số chùa lớn ở Thăng Long như Thiên Phủ, Hưng Long và cho tu bổ lại các chùa bị hư hỏng. Dưới triều Lý đã có rất nhiều nhà sư nổi tiếng về việc tu hành và có những đóng góp cho đất nước như sư Vạn Hạnh được Lý Thái Tổ phong làm Quốc sư; Huệ Sinh được Lý Thánh Tông phong làm Tăng thống...

Dưới triều nhà Trần, Phật giáo Việt Nam phát triển tới mức cực thịnh và trở thành tôn giáo chính thống của cả nước. Vị vua đầu tiên của Triều Trần là vua Trần Thái Tông trong ba mươi ba năm giữ ngôi (1225-1258), ông vừa trị quốc vừa nghiên cứu Phật giáo và trở thành người có trình độ Phật học uyên thâm. Bản thân ông cũng đã viết rất nhiều sách văn thơ mang tư tưởng Phật giáo như Thiền tông chỉ nam, Lục thời xám hối khóa nghi, Kim cương tam muội chú giải...Dưới thời nhà Trần, ngoài Vua Trần Thái Tông thì còn có nhiều vị Vua, quan khác đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đạo Phật được lịch sử ghi nhận và tôn vinh.

Trong thời kỳ nhà Trần, ở Việt Nam xuất hiện phái Thiền Trúc lâm Yên Tử. Thực ra, Thiền Trúc lâm Yên Tử là thế hệ thứ IV của truyền thống Yên Tử thuộc Thiền Vô Ngôn Thông nhưng đến đời vua Trần Nhân Tông mới trở thành phái thiền riêng có tư tưởng nhập thế với ba vị tổ sư là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Nét đặc sắc của Thiền Trúc lâm Yên Tử là quy tụ được tất cả các dòng thiền có ở Việt nam như Tỳ Ni Đa Lưu Chi,Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, do đó Thiền Trúc lâm Yên Tử được xem là dòng thiền thuần túy ở Việt Nam và là nền móng đầu tiên cho việc thống nhất Phật giáo ở Việt Nam.

( Toàn cảnh Thiền viện Trúc lâm Yên Tử ngày nay)

Thời kỳ thứ ba: Phật giáo thời Lê Sơ đến nhà Nguyễn (XV-XX)

Từ triều Lê Sơ (thế kỷ XV) trở đi, chế độ Phong kiến ở Việt Nam phát triển lên một bước mới, lấy Nho giáo làm chỗ dựa cho tư tưởng chính trị và đạo đức nên Phật giáo từ chỗ phát triển cực thịnh đã suy yếu dần. Tuy nhiên với truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc thì Phật giáo vẫn giữ được gốc rễ sâu bền trong lòng nhân dân; đồng thời với thái độ khoan dung, Phật giáo đã làm cho tư tưởng Tam giáo (Phật, Lão, Nho) vốn có từ trước bắt đầu mang một sắc thái mới.

Thời kỳ Nam - Bắc triều, khi chúa Trịnh ở đàng ngoài, chúa Nguyễn ở đàng trong, Phật giáo có sự khởi sắc trở lại khi các Chúa Trịnh, Nguyễn đều tạo điều kiện cho việc tôn tạo, sửa chữa chùa chiền. Trong giai đoạn này có nhiều chùa được Chúa Trịnh, Nguyễn cho xây dựng như: chùa Phúc Long (xây năm 1618), chùa Thiền Tây ở Vĩnh Phúc (xây năm 1727), chùa Thiên Mụ ở Huế (xây năm 1601)...Cũng thời kỳ này, ở Việt Nam xuất hiện phái thiền mới là Thiền Tào Động ở đàng ngoài và Thiền Lâm tế ở Đàng trong.

Thời kỳ thứ tư: Phật giáo thế kỷ XX và hiện nay.

Như đã nói ở trên, Phật giáo Việt Nam đã suy vi dưới triều Lê Sơ; sau này, đôi lúc có sự khôi phục song không còn thịnh vượng như trước. Phật giáo Việt Nam vẫn tiếp tục suy vi cho đến những năm ba mươi của thế kỷ XX mới bắt đầu có sự khởi sắc trở lại bởi phong trào Chấn hưng Phật giáo.

Đầu thế kỷ XX, phong trào Chấn hưng Phật giáo không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn diễn ra ở nhiều nước; đó là kết quả tất yếu của những biến đổi lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, tư tưởng. Phong trào Chấn hưng Phật giáo nổ ra ở Trung Quốc, Nhật Bản sau đó lan ra nhiều nước Châu Á với các khẩu hiệu cách mạng giáo lý, cách mạng giáo chế, cách mạng giáo hội. Phong trào chấn hưng Phật giáo ngoài mang ý nghĩa tôn giáo thì còn có ý nghĩa chính trị xã hội tích cực gắn với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; đó là một số nhà sư cùng một số nhân sĩ trí thức yêu nước, mến đạo, muốn đạo Phật phát triển nên đã sử dụng ngọn cờ Phật giáo để đoàn kết, tập hợp lực lượng chống thực dân Pháp.

Phong trào Chấn hưng Phật giáo diễn ra ở Sài Gòn và một số tỉnh miền Nam vào năm 1920 gắn với tên tuổi của các nhà sư tiên phong như Khánh Hòa (1877-1947), Thiện Chiếu (1898-1974)... Từ miền Nam, phong trào Phong trào Chấn hưng Phật giáo lan ra miền Trung, miền Bắc với các nhà sư như: Hòa thượng Giác Tiên (1880-1936), Thượng tọa Tố Liên (1903-1977), Thượng tọa Trí Hải (1906-1979)...Phong trào chấn hưng Phật giáo kéo dài đến năm 1950 đã đưa lại những kết quả hết sức quan trọng đó là:

Thứ nhất: Đưa Phật giáo đi vào hoạt động có tổ chức; khác với sự rời rạc lỏng lẻo trước đó. Một loạt tổ chức Phật giáo ra đời ở 03 miền nhưng trong giai đoạn này có 06 tổ chức quan trọng của tăng, ni, cư sĩ đó là:

- Ở miền Nam có 02 tổ chức, trong đó: Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học do Hòa thượng Khánh Hòa lập vào năm 1930 (năm 1951, Cư sĩ Mai Thọ truyền lập lại lấy tên là Hội Phật học Việt Nam) và Hội Tăng già Việt Nam được lập vào tháng 6/1951.

- Ở miền Trung có 02 tổ chức, trong đó: An Nam Phật học hội do Cư sĩ Lê Đình Thám lập năm 1932 và Hội Tăng già Trung Việt lập năm 1949.

- Ở miền Bắc có 02 tổ chức, trong đó: Hội Phật giáo Bắc Kỳ do cư sĩ Nguyễn Năng Quốc lập năm 1934 và Hội chỉnh lý Tăng ni Bắc Việt do Thượng tọa Tố Liên thành lập năm 1949 (năm 1950 đổi tên thành Hội Tăng già Bắc Việt).

Thứ hai: Một sự kiện quan trọng nữa trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và cũng là kết quả của Phong trào Chấn hưng Phật giáo đó là năm 1951, tại Huế, các tổ chức Phật giáo nói trên đã họp lại để lập ra Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Đây được coi là một cuộc vận động thống nhất Phật giáo đầu tiên về mặt tổ chức của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XX.

Thứ ba: Phong trào Chấn hưng Phật giáo đã xây dựng được một số cơ sở tôn giáo để đào tạo tăng, ni và đưa việc đào tạo tăng ni trở thành quy củ, nề nếp. Sau đó kinh sách Phật giáo được biên dịch và phát hành rộng rãi, theo đó các tạp chí Phật học cũng được ra đời để làm phương tiện chấn chỉnh về giáo lý, giáo luật.

Đến năm 1954, khi đất nước bị chi cắt thành 02 miền thì tình hình Phật giáo ở 02 miền cũng bắt đầu có sự khác nhau, cụ thể:

Ở miền Bắc, trước nguyện vọng của tăng, ni phật tử, tháng 9/1957, các bậc cao tăng tiêu biểu đã tiến hành cuộc vận động thành lập tổ chức mới. Đến tháng 3/1958, giới Phật giáo các tỉnh miền Bắc tổ chức Đại hội Đại biểu với sự tham dự của hơn 200 tăng, ni và tín đồ và thành lập tổ chức lấy tên Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam với mục đích hoạt động được xác định là "Hòa hợp tăng sự, cư sỹ, các nhà nghiên cứu Phật học để hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, phụng sự tổ quốc và bảo vệ hòa bình". Sau khi ra đời, Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam vừa hoạt động tôn giáo vừa hoạt động xã hội, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam đã động viên tín đồ, tăng ni ủng hộ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể nói Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam ra đời và hoạt động là bước chuyển quan trọng trong tiến trình gắn bó với dân tộc của Phật giáo miền Bắc.

Ở miền Nam, những năm 1954-1975, tình hình Phật giáo có những diễn biến phức tạp, đáng chú ý là có sự ra đời của nhiều tổ chức, hệ phái. Tính đến năm 1975 có hàng chục tổ chức Phật giáo như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Phật giáo Nam tông Khơ me, Phật giáo Khất sỹ, Thiên thai Quán tông, tịnh độ cư sỹ Phật hội, Việt Nam nghiên cứu Phật học hội, Cổ sơn môn, Tịnh độ tông, Thiền tông lâm tế, Thiền định đạo tràng, Quan Âm phổ tế...Trong số các tổ chức Phật giáo nói trên, phải kể đến sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất được thành lập năm 1964 trên cơ sở tập hợp được một số tổ chức hệ phái Phật giáo, trong đó nòng cốt là Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất bắt đầu có sự phân rẽ thành hai phái, một phái do Thượng tọa Thích Tâm Châu đứng đầu tách ra đặt trụ sở ở chùa Việt Nam Quốc tự nên được gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Quốc tự (hay phái Việt Nam Quốc tự); phái còn lại đặt trụ sở ở chùa Ấn Quang nên gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất Ấn Quang (hay còn gọi phái Ấn Quang). Đến nhưng năm 1970, phái Ấn Quang tiếp tục có những bất đồng nội bộ và cùng thời gian này phái Việt Nam Quốc tự cũng bị cô lập và tự tiêu vong vì có những hoạt động đi ngược lại nguyện vọng của tăng ni phật tử.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất đã tạo cơ duyên thuận lợi cho giới Phật giáo thực hiện một Phật sự lớn được đặt ra từ lâu. Đó là việc thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo trong một tổ chức chung. Tháng 2/1980, Ban vận động Phật giáo thống nhất đã được thành lập với 33 vị tăng, ni, cư sĩ đại diện cho các tổ chức hệ phái của Phật giáo cả nước. Ban Vận động do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban và các vị Hòa thượng Thích Thế Long, Thích Minh Nguyệt, Thích Trí Tịnh, Thích Bửu Ý, Thích Mật Hiển, Thích Giới Nghiêm làm Phó trưởng ban Thường trực. Hoạt động của Ban Vận động đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chứng minh gồm các vị Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Thích Thanh Duyệt, Thích Pháp Tràng, Thích Hoằng Thông....

Sau hai năm chuẩn bị, tháng 11/1981, Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo đã được long trọng tổ chức tại thủ đô Hà Nội với 165 đại biểu là tăng, ni, cư sĩ của 09 hệ phái Phật giáo trong cả nước, đó là:

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với 23 đại biểu do Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Trưởng đoàn

Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam có 23 đại biểu do Hòa thượng Thích Nguyên Sinh làm trưởng đoàn

Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam có 12 đại biểu do Hòa thượng Thích Trí Tấn làm trưởng đoàn

- Ban liên lạc Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh gồm có 10 đại biểu do Hòa thượng Thích Thiện Hào làm trưởng đoàn.

- Giáo hội Tăng già nguyên thủy Việt Nam có 07 đại biểu do Hòa thượng Thích Siêu Việt làm trưởng đoàn

- Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ gồm có 08 đại biểu do Hòa thượng Dương Nhơn làm trưởng đoàn

- Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam có 06 đại biểu do Hòa thượng Thích Giác Nhu làm trưởng đoàn

- Giáo hội Thiên thai giáo Quán tông gồm có 05 đại biểu do Thượng tọa Thích Đạt Pháp làm trưởng đoàn

- Hội Phật học Việt Nam có 06 đại biểu do cư sỹ Tăng Quang làm trưởng đòan

Tại hội nghị trên đã thống nhất lập ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thông qua Hiến chương, chương trình hành động của Giáo hội với đường hướng "Đạo pháp- Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội"; hội nghị đã bầu ra Hội đồng chứng minh gồm có 50 vị Hòa thượng; Hội đồng Trị sự gồm có 50 vị tăng, ni và cư sỹ tiêu biểu - là cơ quan lãnh đạo của Giáo hội. Hội đồng Chứng minh nhiệm kỳ đầu tiên do Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ và các Phó Pháp chủ là Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Thích Minh Nguyệt, Thích Ấn Lân, Ma-ha-sa-rây, Thích Mật Hiển, Thích Huệ Thành, Thích Nguyên Sinh. Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ đầu do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch và các Phó chủ tịch là các Hòa thượng Thích Thế Long,Thích Trí Tịnh, Thích Thiện Hài, Thích Thanh Chân, Thích Bửu Ý, Thích Giới nghiêm, Thích Giác Nhu, Châu Mun và Thượng tọa Thích Minh Châu.

Có thể nói thống nhất Phật giáo Việt Nam là sự kiện cực kỳ quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam vì nó đáp ứng nguyện vọng tha thiết của tăng, ni phật tử trong cả nước;  đồng thời tạo điều kiện hơn bao giờ hết  cho giới Phật giáo  Việt Nam tiếp tục phát triển, phát huy truyền thống gắn bó với dân tộc để "Hộ trì hoằng dương Phật pháp, phục vụ tổ quốc Việt Nam xã hội Chủ nghĩa, góp phần đem lại hòa bình, an lạc cho thế giới".  Về ý nghĩa to lớn của việc thống nhất Phật giáo, báo cáo tại Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam chỉ rõ "Đây là lần đầu tiên sau hơn trăm năm bị nô lệ hóa bởi phong kiến thực dân và đế quốc, Phật giáo Việt Nam chúng ta nay được nêu cao ngọn cờ độc lập và tự do trong cộng đồng Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một thời vàng son cho cho đạo Phật Việt Nam mà chúng ta chỉ tìm thấy trong thời đại nhà Trần với Trúc lâm Tam tổ. Nay thời đại vàng son đó đã đến và đang nằm trong tay chư vị đại biểu của chín tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam. Từ nay, chúng ta không còn phân biệt phật tử niềm Nam, Phật tử miền Trung, phật tử miền Bắc. Chúng ta chỉ gọi bằng một danh từ quý báu nhất thiêng liêng nhất là Phật tử Việt Nam".

Việc thống nhất Phật giáo và việc ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đáp ứng được tình cảm, nguyện vọng của tuyệt đại đa số tăng, ni Phật tử, lại được đảm bảo chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, ngày càng khẳng định vị trí của mình trong lòng dân tộc. Đến nay, giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 8 kỳ Đại hội, cụ thể:

Đại hội lần thứ nhất (cũng chính là Hội nghị thống nhất Phật giáo vì hội nghị có quy mô, tính chất như Đại hội): diễn ra tại chùa Quán Sứ, Hà Nội từ ngày 04-07/11/1981. Tham dự Đại hội có 165 đại biểu đại diện cho 09 tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước. Đây là Đại hội thống nhất cả nước với việc ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại hội đã thông qua Hiến chương và xác định đường hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là "Đạo pháp- Dân tộc- Chủ nghĩa xã hôi". Đại hội suy tôn Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm pháp chủ, Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đại hội lần thứ hai: được tổ chức tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội trong 02 ngày 28-29/10/1987 với sự tham dự của 200 đại biểu. Đại hội suy tôn Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ; Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam. thành phần Hội đồng Chứng minh gồm có 37 thành viên, Hội đồng Trị sự có 60 thành viên. Đại hội thông qua danh sách tấn phong 60 vị Hòa thượng, 22 vị Thượng tọa, 12 Ni trưởng và 28 vị Ni sư.

Đại hội lần thứ ba: được tổ chức tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội trong 02 ngày 03-04/11/1992 với sự tham dự của 227 đại biểu. Đại hội suy tôn Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ; Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam. Thành phần Hội đồng Chứng minh gồm có 33 thành viên, Hội đồng Trị sự có 70 thành viên. Đại hội thông qua danh sách tấn phong 72 vị Hòa thượng, 130 vị Thượng tọa, 32 Ni trưởng và 103 vị Ni sư.

Đại hội lần thứ tư: được tổ chức tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội trong 02 ngày 22-23/11/1997 với sự tham dự của 320 đại biểu. Đại hội suy tôn Hòa thượng Thích Tâm Tịnh làm Pháp chủ; Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam. Thành phần Hội đồng Chứng minh gồm có 67 thành viên, Hội đồng Trị sự có 94 thành viên. Đại hội thông qua danh sách tấn phong 106 vị Hòa thượng, 374 vị Thượng tọa, 91  Ni trưởng và 278 vị Ni sư.

Đại hội lần thứ năm: được tổ chức tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội trong 02 ngày 04-05/12/2002 với sự tham dự của 527 đại biểu. Đại hội suy tôn Hòa thượng Thích Tâm Tịnh làm Pháp chủ; Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam. Thành phần Hội đồng Chứng minh gồm có 85 thành viên, Hội đồng Trị sự có 95 thành viên chính thức, 25 thành viên dự khuyết. Đại hội thông qua danh sách tấn phong 137 vị Hòa thượng, 419 vị Thượng tọa, 75  Ni trưởng và 315 vị Ni sư.

Đại hội lần thứ sáu: được tổ chức tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội trong 02 ngày 13-14/12/2007 với sự tham dự của 1.500 đại biểu, trong đó có 895 đại biểu chính thức, 26 vị khách quốc tế đến từ các quốc gia... Đại hội suy tôn Hòa thượng Thích Phổ Tuệ làm Pháp chủ; Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam. Thành phần Hội đồng Chứng minh gồm có 98 thành viên, Hội đồng Trị sự có 147 thành viên chính thức, 28 thành viên dự khuyết. Đại hội thông qua danh sách tấn phong  372 vị Hòa thượng và Ni trưởng, 1.076 vị Thượng tọa và Ni sư.

Đại hội lần thứ bảy: được tổ chức tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội trong 02 ngày 23-24/11/2012 với sự tham dự của 1.000 đại biểu.  Đại hội suy tôn Hòa thượng Thích Phổ Tuệ làm Pháp chủ; Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam. Thành phần Hội đồng Chứng minh gồm có 98 thành viên (trong đó có 24 vị Thường trực), Hội đồng Trị sự có 199 thành viên chính thức (trong đó có 61 vị thường trực), 66 thành viên dự khuyết. Đại hội thông qua danh sách tấn phong  329 vị Hòa thượng, 224 vị Ni trưởng, 317 vị Thượng tọa và 483 vị Ni sư.

Đại hội lần thứ tám: được tổ chức tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội trong 02 ngày 21-22/11/2017 với sự tham dự của 1.250 đại biểu.  Đại hội suy tôn Hòa thượng Thích Phổ Tuệ làm Pháp chủ; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn làm Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam. Thành phần Hội đồng Chứng minh gồm có 96 thành viên (trong đó có 27 vị Thường trực), Hội đồng Trị sự có 225 thành viên chính thức (trong đó có 61 vị thường trực), 45 thành viên dự khuyết. Đại hội thông qua danh sách tấn phong 210 vị Hòa thượng, 262 vị Ni trưởng,  497 vị Thượng tọa và 896 vị Ni sư.

Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được xây dựng theo các cấp như sau: Cấp Trung ương, cấp Tỉnh, cấp Huyện. Trong đó cấp Trung ương và cấp Tỉnh giữ vai trò chủ chốt. Ở cấp Trung ương có Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự, trong đó:

Hội đồng Chứng minh gồm các vị Hòa thượng tiêu biểu có 70 tuổi đời, 50 tuổi đạo trở lên, không giới hạn số lượng; Hội đồng Chứng minh có nhiệm vụ: (1) chứng minh các hội nghị Trung ương và các Đại hội của GHPG Việt Nam; (2) Hướng dẫn, giám sát các hoạt động của giáo hội về mặt đạo pháp và giới luật; (3) phê chuẩn tấn phong chức vị Giáo phẩm Hòa thượng, Thượng Tọa, Ni trưởng, Ni sư của GHPG Việt Nam.

Hội đồng Trị sự là cấp điều hành cao nhất của Giáo hội về các mặt hoạt động của Giáo hội giữa hai nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam. Hội đồng Trị sự ấn định chương trình hoạt động hàng năm của Giáo hội theo đúng Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam; đôn đốc, kiểm soát và thực hiện chương trình đó. Hội đồng Trị sự cử ra Ban thường trực gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Phó tổng thư ký, Trưởng các ban chuyên môn, các ủy viên, thủ quỹ, kiểm soát để điều hành công việc. Giúp việc cho Hội đồng Trị sự gồm các ban chuyên môn như sau: (1) Ban Tăng sự; (2) Ban Giáo dục Tăng ni; (3) Ban Hướng dẫn Phật tử; (4) Ban Hoằng Pháp; (5) Ban Nghi lễ; (6) Ban Văn hóa; (7) Ban kinh tế- tài chính; (8) Ban từ thiện- xã hội; (9) Ban Phật giáo quốc tế; (10) Ban truyền thông; (11) Ban Pháp chế; (12) Ban Kiểm soát; (13) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; (14) Văn phòng (trong đó Văn phòng I đặt tại chùa Quán Sứ - Hà Nội; Văn phòng II đặt tại Thiền viện Quảng Đức, TP Hồ Chí Minh).

Dưới cấp Trung ương là Ban Trị sự của các tỉnh, thành phố; dưới cấp tỉnh là Ban Trị sự cấp huyện. Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là các chùa, tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay cả nước có hơn 4,6 triệu tín đồ phật tử quy y tam bảo (trong đó chưa kể đến có hơn một nửa dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo dưới nhiều mức độ khác nhau); có 893 đơn vị gia đình phật tử; có 44.498 tăng, ni; có 14.775 tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường; có 04 học viện Phật giáo; hơn 30 trường Trung cấp Phật học; đạo Phật có các tạp chí như: Tạp chí nghiên cứu Phật học, tạp chí văn hóa Phật giáo, tạp chí Khuông Việt....

Qua tìm hiểu sơ lược  như trên cho thấy, Phật giáo có mặt ở nước ta từ rất sớm, trên cơ sở tiếp thu ảnh hưởng từ cả 02 phía Ấn Độ và Trung Quốc. Phật giáo Việt Nam hội tụ cả 02 dòng Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông và chịu ảnh hưởng của 03 tông phái lớn của Phật giáo đại thừa đó là Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Đồng thời Phật giáo Việt Nam còn chịu ảnh hưởng bởi Nho giáo, Lão giáo, phong tục tập quán dân gian nên tạo ra những nét riêng biệt. Phật giáo Việt Nam có bề dày lịch sử gần hai chục thế kỷ. Trong quá trình đó, Phật giáo Việt Nam đã luôn giữ và làm tốt vai trò "Hộ quốc an dân" góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nền văn hóa dân tộc; ngày nay với đường hướng tiến bộ "Đạo pháp - Dân tộc- Chủ nghĩa xã hội", tăng, ni, tín đồ phật giáo cả nước tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong quá trình đổi mới và xây dựng đất nước.